CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG NHÓM 2 (P3)

NHÓM 02: CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH – BÁN CHUYÊN TRÁCH TẠI CƠ SỞ

(Theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP)

III. MỘT SỐ CÁC QUY ĐỊNH MỚI VỀ CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG ĐƯỢC QUY ĐỊNH TẠI LUẬT AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG VÀ CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH

  1. Mục đích của công tác an toàn vệ sinh lao động trong quá trình lao động, sản xuất, kinh doanh và tầm quan trọng của việc ban hành Luật an toàn, vệ sinh lao động ở nước ta

Công tác ATVSLĐ gắn liền với hoạt động của mỗi người lao động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao.

Mục đích của công tác ATVSLĐ là thông qua các biện pháp về khoa học – công nghệ, tổ chức – hành chính, kinh tế – xã hội để loại trừ các yếu tố nguy hiểm, có hại phát sinh trong quá trình sản xuất, tạo nên một điều kiện lao động an toàn và vệ sinh.

“Con người là vốn quí nhất, con người có thể làm ra của cải, vật chất phục vụ cho bản thân và cho xã hội”. Có công cụ lao động nhưng không có tác động của con người thì cũng không ra sản phẩm. Bác Hồ rất quan tâm và chú ý đến người lao động. Bác đã từng nói với người lao động:

“Một công nhân bất kỳ nam hay nữ đều rất quý báu; chẳng những quý cho gia đình các cô, các chú mà còn quý cho Đảng, Chính phủ và nhân dân nữa. Nếu để xảy ra tai nạn là thiệt chung cho bản thân gia đình, cho Đảng, Chính phủ và nhân dân; người bị tai nạn không đi làm được, gia đình sẽ gặp khó khăn; sức lao động của nhân dân do vậy cũng kém sút; vì thế chúng ta phải hết sức bảo vệ an toàn lao động, bảo vệ tính mạng người công nhân”.

(Hồ Chủ Tịch với lao động, NXB Sự thật, Hà Nội, 1960, trang 52-53. Hồ Chủ Tịch nói chuyện tại công trường Đèo Nai, ngày 30/3/1959).

Tại Khoản 2 Điều 35 Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi”. Để thể chế hoá quy định trong Hiến pháp và thực hiện lời dạy của Bác, Nhà nước ta đã ban hành Luật an toàn, vệ sinh lao động với nhiều nội dung, quy định mới, chặt chẽ nhằm phù hợp sự phát triển của xã hội và đảm bảo vấn đề an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, một trong những quy định mới rất quan trọng đó là quy định đối tượng áp dụng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động nhằm đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, chăm lo sức khỏe, thực hiện các chính sách về an toàn vệ sinh ano động… đối với họ tại nơi làm việc.

Người sử dụng lao động phải luôn quan tâm và đảm bảo môi trường điều kiện lao động cho người lao động làm việc an toàn.

Một số quy định mới về đối tượng áp dụng của Luật an toàn vệ sinh lao động, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác an toàn vệ sinh lao động, một số chính sách, chế độ an toàn vệ sinh lao động áp dụng trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, cụ thể:

  1. Đối tượng áp dụng Luật an toàn vệ sinh lao động (Quy định tại Điều 2 Luật an toàn, vệ sinh lao động)
  2. a. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người thử việc; người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động.
  3. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
  4. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
  5. Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
  6. Người sử dụng lao động.
  7. Cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động.
  8. Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động (Quy định tại Điều 6 và Điều 7 của Luật an toàn, vệ sinh lao động)

3.1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có quyền sau đây:

– Được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc;

– Được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động;

– Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khoẻ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

– Yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

– Từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khoẻ của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý; chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động;

– Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

3.2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có nghĩa vụ sau đây:

– Chấp hành nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; tuân thủ các giao kết về an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể;

– Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp; các thiết bị bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;

– Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; chủ động tham gia cấp cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3.3. Quyền về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động:

– Yêu cầu người lao động phải chấp hành các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;

– Khen thưởng người lao động chấp hành tốt và kỷ luật người lao động vi phạm trong việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động;

– Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật;

– Huy động người lao động tham gia ứng cứu khẩn cấp, khắc phục sự cố, tai nạn lao động.

3.4. Nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động:

– Xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

– Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khoẻ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

– Không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe doạ nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khoẻ của người lao động;

– Cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật;

– Bố trí bộ phận hoặc người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động;

– Thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; thống kê, báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; chấp hành quyết định của thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động;

– Lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở khi xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

AGK Chuyên đào tạo, cấp chứng chỉ an toàn lao động

Xin vui lòng để lại thông tin, AGK sẽ liên lạc sớm nhất tới bạn!
  • Địa chỉ: 27/1/27 TX25, phường Thạnh Xuân, Quận 12, HCM
  • Phone: 0931.297.968
  • Email: agkvietnam1@gmail.com
  • Website: http://laodongviet.vn




    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *